14 tháng 6, 2011

GIỚI THIỆU SÁCH 6: Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia

 Một cuốn sách mới ra lò của tác giả Nguyễn Văn Dân. Nhân đọc bài Ba đợt “sóng” địa chính trị trên biển Đông"mình lần mò tìm kiến thì thấy cuốn sách này được giới thiệu tại web của Viện Thông tin khoa học xã hội. Nhìn mục lục cũng khá thú vị sắp tới mình phải tìm mua-NVH.

Trong khi trên thế giới nhiều nước đã có các học viện nghiên cứu địa chính trị, mà viện địa chính trị lâu đời nhất có lẽ là Viện Địa chính trị Munchen (Đức), do tướng Karl Haushofer thành lập năm 1922, thì ở Việt Nam, địa chính trị chưa trở thành một ngành nghiên cứu độc lập, vì thế, trong hệ thống các viện nghiên cứu chúng ta chưa có viện địa chính trị. Trong hệ thống giáo dục, địa chính trị cũng chưa trở thành một bộ môn độc lập trong các trường đại học. Đã đến lúc Việt Nam cần có một chủ trương chính thức cho việc xây dựng và phát triển bộ môn khoa học địa chính trị cả trong lĩnh vực nghiên cứu lẫn giảng dạy. Việc thành lập bộ môn khoa học này sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu và giúp đề ra các chính sách phát triển quốc gia có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng vật chất và tinh thần của đất nước. Để đáp ứng yêu cầu đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Dân, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, vừa cho ra mắt công trình "Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia", Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.



Công trình là một chuyên luận có mục đích giới thiệu sự hình thành và phát triển của một ngành khoa học vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam: địa chính trị, nhất là khi mà hiện nay ở nước ta vẫn còn có nhiều quan niệm khác nhau về ngành khoa học này, thậm chí còn có cả những ngộ nhận về các khái niệm địa chính trị và địa lý học chính trị. Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, công trình bao gồm các chương sau:

Chương một: Khái niệm và định nghĩa

1. Khái niệm địa chính trị

2. Khái niệm địa lý học chính trị

3. Khái niệm địa chiến lược

4. Sự ra đời của một phân ngành khoa học.

Chương hai: Một số xu hướng lý thuyết và thực hành địa chính trị trên thế giới

I. Xu hướng địa chính trị hợp nhất

1. Lý thuyết sức mạnh biển của Alfred Thayer Mahan

2. Lý thuyết địa chính trị về “không gian sinh tồn”

3. Lý thuyết địa chính trị “miền đất trái tim” của Mackinder

4. Tư tưởng địa chính trị Đức với sự nổi lên của nước Đức Quốc-Xã

II. Xu hướng địa chính trị phân mảnh

III. Xu hướng địa chính trị văn hóa

IV. Xu hướng địa chính trị tài nguyên

V. Xu hướng địa chính trị biển đảo.

Chương ba: Quan điểm địa chính trị trong chiến lược phát triển quốc gia của một số nước và khu vực chủ chốt trên thế giới

I. Quan điểm địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển của Hoa Kỳ

II. Quan điểm địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển của nước Nga

III. Quan điểm địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển của Liên hiệp châu Âu [EU]

IV. Quan điểm địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển của Trung Quốc

V. Quan điểm địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển của Nhật Bản

VI. Quan điểm địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển của Ấn Độ.

Chương bốn: Một số kinh nghiệm gợi mở cho Việt Nam

1. Quan điểm nhìn nhận vai trò địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia của Việt Nam

2. Một số kinh nghiệm gợi mở.

Cuối cùng tác giả kết luận:

1. Địa lý là khung cảnh của mọi hoạt động của con người và xã hội. Đó là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt là các tiến trình và xung đột chính trị không thể diễn ra bên ngoài khung cảnh địa lý. Lịch sử cũng cho thấy không có động cơ gì hấp dẫn chính trị bằng động cơ địa lý. Đó chính là ý nghĩa và tầm quan trọng của địa lý, và cũng là ý nghĩa và tầm quan trọng của địa chính trị.

2. Thế giới hiện nay đang phát triển hết sức phức tạp. Các quan điểm địa chính trị cũng đang phát triển đa dạng. Có những lý thuyết muốn lý giải thế giới để rút ra cách ứng xử cho các quốc gia, nhưng cũng có những lý thuyết muốn làm thành phương châm hành động cho một quốc gia hoặc liên minh quốc gia. Có những lý thuyết đem đến thành công trong phát triển cho một quốc gia (như lý thuyết cường quốc biển), nhưng cũng có những lý thuyết lại dẫn quốc gia đi đến thảm họa (như lý thuyết không gian sinh tồn). Tìm hiểu các quan điểm và lý thuyết / học thuyết địa chính trị sẽ giúp chúng ta có cái nhìn so sánh để từ đó rút ra cho mình những kinh nghiệm bổ ích về chính sách đối nội và đối ngoại phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.

3. Là những lý thuyết liên quan trực tiếp đến số phận của cả một dân tộc, thậm chí của cả loài người, địa chính trị cần phải được xem xét và áp dụng một cách thận trọng. Nếu được áp dụng đúng đắn, địa chính trị sẽ góp phần to lớn cho sự phát triển của một quốc gia và cho sự ổn định và hợp tác quốc tế. Nhưng nếu bị lạm dụng và bị đẩy đến chỗ cực đoan, thì lý thuyết địa chính trị sẽ dẫn đến những thảm họa cho loài người.

4. Trước các chiến lược địa chính trị mang tính bành trướng và vị kỷ dân tộc của các nước lớn trên thế giới cũng như của các nước láng giềng và khu vực, Việt Nam cần có các đối sách đúng đắn. Việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn địa chính trị cần có sự kết hợp lợi ích dân tộc với lợi ích quốc tế; xác định rõ cái riêng và cái chung; đặt cái riêng trong cái chung theo cái nhìn hệ thống để tìm ra các giải pháp hợp lý và bền vững.

5. Điều cuối cùng cần lưu ý là cho dù địa chính trị quan trọng đến mức nào thì chúng ta cũng không được tuyệt đối hóa nó để tránh không rơi vào chủ nghĩa quyết định luận địa lý. Sức mạnh của một quốc gia còn có nguồn gốc trong yếu tố con người và văn hóa. Cần kết hợp các yếu tố này để tạo sức mạnh tổng hợp cho công cuộc phát triển của một quốc gia. Israel, Nhật Bản là một số ví dụ cho thấy sự kết hợp địa chính trị với yếu tố con người và văn hóa đã giúp phát triển đất nước một cách thành công như thế nào.

Cuốn sách là một tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực địa chính trị, đồng thời có thể được sử dụng làm giáo trình cho sinh viên ngành địa lý nhân văn, địa chính trị và chính trị học.
Theo: http://www.issi.gov.vn

2 nhận xét:

  1. Nói hay lắm.đến lúc mua thì lại do dự vì tiếc tiền.Tao không giục thì mày đã không có quyển này.Nhớ chưa, tại NS Thăng Long, 2 NTMK đó.

    Trả lờiXóa
  2. post sách hay này lên cho ACE xem nhé.
    Sợ nhất là chất lượng, rồi mua ngay

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.