13 tháng 6, 2011

TẠI SAO NHIỆT ĐỚI LẠI BUỒN ?

 Nhị Linh

“Nhiệt đới buồn” (Claude Lévi-Strauss, Ngô Bình Lâm dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính, NXB Tri Thức, 2009), nếu coi là một hồi ký, thì nó đúng là một hồi ký rất dở và rất gở: chẳng có cuốn hồi ký nào lại được viết ra để rồi tác giả mãi hơn nửa thế kỷ sau mới qua đời. Nếu coi là một cuốn tiểu thuyết, thì tác phẩm in lần đầu năm 1955 này (về phần mình, tác giả mới mất cách đây vài tháng) vẫn quá cỡ kể cả so với một trường giang tiểu thuyết; nó có quá nhiều câu chuyện, quá nhiều cảm giác, và quá nhiều miêu tả tinh tế, tới mức người ta đâm ra ngờ vực ngay chính bản thân khái niệm tiểu thuyết, và Viện Hàn lâm Goncourt năm ấy đã có lý khi ngậm ngùi mà thôi không trao giải cho cuốn sách. Còn nếu coi “Nhiệt đới buồn” là một chuyên khảo khoa học, thì biết lý giải sao đây sự xuất hiện của câu mở đầu: “Tôi ghét du hành và các nhà thám hiểm” và hình ảnh kết thúc: “một con mèo”?

Hẳn ý thức được tính chất “không thể xếp hạng” tuyệt đối của của cuốn sách này, nên mặc dù nó được đọc rất nhiều trong hơn năm chục năm qua bởi vô số người thuộc đủ mọi giới, bài báo chính của chuyên đề Claude Lévi-Strauss của “Magazine Littéraire” (tháng Năm 2008) đã tìm cách né tránh vấn đề bằng cách đặt tít “Cuộc phiêu lưu vĩ đại của trí tuệ” và chú trọng miêu tả một nhà khoa học khi tuổi trẻ thực sự không biết phải làm gì với cuộc đời mình. Khi là một cuộc phiêu lưu, thì tập tục hôn nhân ở các xã hội “nguyên thủy”, đời sống trí thức Paris, các dải núi non Nam Mỹ, tất tật đều có thể là những điều bất ngờ vĩnh viễn, làm người ta quên đi, hay lờ đi, những câu hỏi gây bực mình về thể loại hay là gì gì nữa.

Nhưng dù có thế nào, thì vẫn còn một câu hỏi không thể bỏ qua: tại sao nhiệt đới lại buồn? Tại sao lại đem quết một vệt màu lạnh lên một thực thể nếu không phải là nóng bỏng thì cũng là luôn luôn có nguy cơ nồng cháy? Hóa ra là những tươi vui nhiệt tình và sắc màu rộn ràng của lễ hội Rio de Janeiro (thì chính nó đấy, đối tượng quan trọng của “Nhiệt đới buồn”) không thể đại diện cho một hình ảnh về “xứ nhiệt đới”?

Và cái “buồn” của “Nhiệt đới buồn” cũng đặc thù ghê gớm, khiến cho bản dịch tiếng Anh vẫn giữ nguyên nhan đề của nguyên bản tiếng Pháp, “Tristes Tropiques”.

Nếu muốn đẩy suy nghĩ đi đến chỗ tận cùng (đó cũng là điều mà “phiêu lưu” gợi ý cho chúng ta), có lẽ ta nên hiểu Lévi-Strauss phản ứng mạnh mẽ với du ký Tây phương đến thế nào, tới mức cho là kỳ khôi cái chuyện đồng bào của ông cứ mải miết đi tìm kỳ hoa dị thảo độc đáo của Đông phương; và cũng vậy, không thể bỏ qua cái sự buồn cứ vương lại như một nốt ruồi khó ưa trên bìa cuốn sách.

Nhiều người đã tìm cách giải thích, trong đó có một người Đông phương, thuộc về một đất nước không hẳn nhiệt đới nhưng cũng trong một thế giới “khác” so với Tây phương: với nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, cái thành phố Istanbul nằm trên vĩ tuyến 41 của ông gợi lên “nỗi buồn” ở người quan sát Tây phương (cụ thể là Lévi-Strauss) là bởi vì trong cái nhìn của họ trước những hoang phế của nơi đây có lẩn quất một mặc cảm tội lỗi, khiến họ cứ ra sức mà tô vẽ, mà phết sơn lòe loẹt lên cảnh tượng xa lạ mà họ đang chứng kiến.

Trong cuốn “Istanbul” (cũng một hồi ký và cũng đồng thời là khảo cứu, cũng đồng thời là tiểu thuyết thành ra chẳng thuộc về cái gì hết), Pamuk (cũng một người có thiên hướng nghệ thuật và cũng không biết làm gì với cuộc đời mình khi trẻ tuổi) phân biệt nỗi buồn tự bên trong con người Istanbul với nỗi buồn xuất hiện trong cái nhìn của người ngoài. Cũng tương tự như vậy, lẽ dĩ nhiên “Nhiệt đới buồn” có thể hiểu trực nghĩa rằng có những điều buồn bã của nhiệt đới mà nếu nhạy cảm người ta có thể cảm nhận, nhưng quan trọng hơn cả, và ở đây có một sự chuyển dịch hao hao với phép hoán dụ, “Nhiệt đới buồn” còn có nghĩa nỗi buồn nằm trong chính bản thân Lévi-Strauss, người từ xa tới. Điều này được thể hiện một cách chu đáo ở các phần hai và phần ba, nhất là khi nhà nhân chủng học nhận ra tuyệt đại đa số cảnh hoang sơ Nam Mỹ không có lý do từ tính chất nguyên thủy, mà do bị tàn phá, và khi ông ngao ngán với cái nỗi niềm suy nghĩ kỳ khôi của đám trí thức thuộc địa chỉ chăm chăm kiếm lấy mảnh bằng mà chẳng mảy may quan tâm tới khoa học hay tới nhiệt đới của họ.

Vì quá sáng suốt, Lévi-Strauss không sao tự bó hẹp tác phẩm của mình vào một khuôn khổ nào, và cũng chính vì lẽ ấy, ông không thể không nhìn thấy sự buồn của miền nhiệt đới vui.

Theo: http://nhilinhblog.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.