15 tháng 6, 2011

GIỚI THIỆU SÁCH 6: Xã hội học về lãnh đạo, quản lý

Lãnh đạo và quản lý là hai khái niệm quan hệ mật thiết và không ít người nhầm lẫn với nhau thậm chí coi cái này bao trùm lên cái kia. Nhưng điều đặt ra là liệu có thể tích hợp được với nhau hay không? Cuốn sách mà tôi sắp giới thiệu là một trong số những câu trả lời, hay nói đúng hơn là một cách tiếp cận của xã hội học đối với lãnh đạo và quản lý.
 
Những vấn đề tiêu cực trong xã hội hiện nay có gốc rễ từ những lỗi trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Điều đó đặt ra một nhu cầu cần có sự tiếp cận đa diện trong nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn về vấn đề này và xã hội học là một hướng nhìn rất hữu ích. Cuốn sách “Xã hội học về lãnh đạo, quản lý” do tác giả GS,TS. Lê Ngọc Hùng chủ biên với sự cộng tác của GS,TS. Nguyễn Đình Tấn, TS. Nguyễn Văn Tuấn, ThS. Đỗ Văn Quân và ThS. Nguyễn Ngọc Huy do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2010 là một tài liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu, các bạn sinh viên và các nhà quản lý.
Theo nhận định của các tác giả thì “Cuốn sách được biên soạn theo một cấu trúc đặc biệt để làm rõ nhu cầu và đối tượng, phương pháp và nội dung nghiên cứu xã hội học về lãnh đạo quản lý theo một cách tư duy mới” huy vọng sẽ làm hài lòng những nhu cầu nhận thức của người đọc. Tác giả của cuốn sách vốn là những người trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia sẽ là một điều kiện thuận lợi để họ chuyển tải kiến thức lý luận quản lý, lãnh đạo cũng như sự trải nghiệm thực tế giúp nội dung cân bằng giữa chất hàn lâm với không khí thực tế cuộc sống.
Cuốn sách được kết cấu thành 7 chương.
Chương 1. Một số quan điểm xã hội học về lãnh đạo và quản lý
Chương 2. Sự hình thành xã hội học về lãnh đạo,quản lý
Chương 3. Sự suy thoái knh tế toàn cầu và sự trở lại của xã hội học quản lý từ một góc độ mới
Chương 4. Cơ cấu xã hội và quản lý xã hội
Chương 5. Vốn xã hội: nguồn lực và đối tượng của lãnh đạo, quản lý xã hội
Chương 6. Dư luận xã hội trong phát triển xã hội và quản lý xã hội ở Việt Nam
Chương 7. Truyền thông đại chúng trong quản lý xã hội.
Với những nội dung trên của tác phẩm cùng với phương pháp và cách thức tiếp cận riêng của mỗi người đọc, hy vọng cuốn sách sẽ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp một câu trả lời, hay một luận điểm khoa học mà còn là sự gợi mở cho những tranh luận khoa học hữu ích về sau.
Ngô Văn Huấn-Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.